VSA nhận định đầu tư công và thị trường bất động sản ấm lên sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu cầu thép những tháng cuối năm, tuy nhiên phải sang quý 1/2024, thị trường thép mới có thể hồi phục.
Giá thép liên tục điều chỉnh giảm cùng với sức tiêu thụ yếu khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành này gặp khó khăn.
Giá thép hiện đã về dưới 14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất trong hơn 3 năm vừa qua. Với các giải pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản, xây dựng, liệu có khả năng sang đầu năm 2024, thị trường có thể thực sự khởi sắc và hồi phục?
Tín hiệu khởi sắc
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong bối cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm ghi nhận một số điểm sáng về những chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các Cơ quan Nhà nước ban hành, trong đó có hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tăng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhờ đó, sản xuất thép thành phẩm trong tháng Chín đạt 2,344 triệu tấn, tăng 2,41% so với tháng 8/2023 nhưng giảm 4,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,187 triệu tấn, tăng 4,69% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,179 triệu tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 18,978 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu đã phần nào được cải thiện. Điều này cũng được thể hiện qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết trong tháng Chín/2023, tiêu thụ các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép của tập đoàn đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cũng đạt lượng bán cao nhất từ đầu năm trong tháng Chín/2023, với 268.000 tấn thép được tiêu thụ, tăng 8% so với tháng trước và tăng 9% so cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.
Với sự trở lại của một số dự án sản xuất công nghiệp, xây dựng, thị trường thép trong thời gian còn lại của năm sẽ khởi sắc hơn các tháng trước đó.
Đầu tư công và thị trường bất động sản ấm lên sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu cầu thép những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm để thị trường thép hồi phục trở lại có thể phải sang quý 1/2024.
Ngành thép sẽ “ấm” lại vào 2024?
Từ đầu năm đến nay, giá thép đã trải qua 19 lần giảm giá, hiện mức giá đang được giữ quanh mốc 13,5 triệu đồng/tấn. Tại miền Bắc, thép Hòa Phát với dòng thép cuộn CB240 bán ở mức 13.430 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.740 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Ý, dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.430 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.690 đồng/kg. Thép Việt Đức, với dòng thép cuộn CB240 bán ở mức 13.430 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.890 đồng/kg.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản thời gian qua còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc.
Không những thế, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Anh Ngô Khánh, chủ đại lý thép tại Tam Trinh, Hà Nội, chia sẻ giá thép thời gian qua liên tục giảm, nhưng tiêu thụ lại không được như kỳ vọng do nhu cầu từ thị trường xây dựng thấp. Giá thép hiện nay đang đứng yên, nhưng rất có thể sẽ phục hồi nhẹ về cuối năm, khi lực cầu tăng cao hơn.
[Con đường Xanh hóa trong ngành Thép: Khó khăn hay động lực?]
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, ngành bất động sản, xây dựng dân dụng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 50-60% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.
Từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đã chững lại khiến cho cầu không tăng nhiều, trong khi nguồn cung lại rất lớn, nhất là lượng thép từ Trung Quốc nhập về nước đã làm cho giá thép trong nước liên tục giảm.
Để ổn định giá thép cũng như phục hồi thị trường ngành này, ngoài việc kích cầu đầu tư thì điều cần thiết là đẩy mạnh các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công. Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, thị trường sẽ ấm lên, ông Sưa nói.
Với những nỗ lực kích cầu thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ được khởi sắc. Tuy nhiên theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, thị trường bất động sản sẽ được phục hồi từ năm 2024 còn là quá sớm và quá lạc quan.
Dựa vào chu kỳ lên xuống của thị trường bất động sản trong hơn một thập kỷ qua, có thể sẽ phải mất đến 2-3 năm nữa, thị trường bất động sản mới có thể vực dậy được. Từ đó, tiêu thụ thép mới có thể khởi sắc trở lại.
Chính vì thế, VNDirect cho rằng thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Trên thực tế, hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả vẫn còn chưa cao.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng hiện nay Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá.
Điều này sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
“Chúng tôi kỳ vọng với những động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành, thị trường thép sẽ được hồi phục thông qua những tín hiệu tích cực từ bất động sản, xây dựng”./.